Sinh hoạt chuyên đề quý II/2023: “Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày 25 tháng 5 năm 2023, Chi bộ trường THPT Quang Trung chủ trì tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề quý II/2023: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và yêu cầu xây dựng con người mới”, vận dụng, liên hệ trong xây dựng đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Tham dự có: 54 người trong đó: 25 đảng viên và 24 viên chức.

Đồng chí Nguyễn Trung Tín – Phó Bí thư chi bộ báo cáo, quán triệt nội dung chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và yêu cầu xây dựng con người mới”, vận dụng, liên hệ trong xây dựng đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay tại trường THPT Quang Trung với 06 trang A4 (File kèm theo)
Buổi sinh hoạt nhận đượ 03 tham luận, trong đó 02 tham luận bằng văn bản của đồng chí Tống Văn Nghĩa và đồng chí Nguyễn Thị Xuân, 01 tham luận của cấp ủy viên – đồng chí Nguyễn Tấn Phước – Hiệu trưởng.

Hình ảnh đồng chí: Nguyễn Thị Xuân – đảng viên phát biểu tham luận.

Hình ảnh đồng chí: Tống Văn Nghĩa – đảng viên phát biểu tham luận.
Qua buổi sinh hoạt chuyên đề, tất cả viên chức cam kết tu dưỡng và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tất cả nhà giáo thực hiện tốt các quy định trong Quyết định 16/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định chuẩn mực đạo đức Nhà giáo. Tất cả viên chức và người lao động trong đơn vị thực hiện tốt và thiết thực Bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong nhà trường do Hiệu trưởng nhà trường quy định. Toàn cơ quan thể hiện được tinh thần đoàn kết – trách nhiệm trong mọi công việc. Đảng viên nêu cao tính gương mẫu, bản lĩnh chính trị, vững vàng trong khó khăn, đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, tự giác nhận nhiệm vụ đảm bảo xây dựng nhà Trường đảm bảo chất lượng giáo dục./.
Viết: Nguyễn Trung Tín – Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng.
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ:  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (Quí II – năm 2023)
—–
Chủ đề: : “Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và yêu cầu xây dựng con người mới”, vận dụng, liên hệ trong xây dựng đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cơ quan, và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
I.-Phần thứ 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu cầu xây dựng con người mới.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến lời di chúc cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi các vấn đề của con người, các công việc của con người, sự nghiệp trồng người là mục tiêu, là mối quan tâm thường trực, là trách nhiệm vẻ vang trong cuộc đời hoạt động của mình. Trong hàng ngàn bài viết và lời nói của Bác, vấn đề tha thiết nhất và thống thiết nhất ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là các vấn đề của con người. Mong muốn cháy bỏng trong suốt cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm sao nhân dân ta, những người cùng khổ, trẻ em, thanh niên, phụ nữ, người già cả đều vui vẻ khoẻ mạnh, ai cũng có cơm ǎn, có áo mặc, được học hành, và sống trong hoà bình, tình hữu nghị, sự yêu thương và niềm hạnh phúc.
1.1. Quan điểm con người mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh quan niệm rằng, con người, các nhân cách vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa là động lực phát triển lịch sử con người sinh ra trong xã hội, do đó, các hoàn cảnh xã hội làm nẩy sinh trong con người cả cái thiện và cái ác. Mỗi xã hội đều có thước đo cái thiện, cái ác của nó. Vì lẽ đó, khi kiến tạo một xã hội mới, theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải tích cực, chủ động xây dựng những con người, những nhân cách cho xã hội đó. Xã hội nào cũng có những con người đại diện cho nó. Xã hội phong kiến ở Việt Nam, có những nhân cách kẻ sĩ, bậc trượng phu, người quân tử làm nòng cốt xây dựng xã hội ấy. Xã hội tư sản đã coi các thương gia, nhân sĩ các nhà tư bản là nòng cốt xây dựng xã hội đó. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu phấn đấu của cuộc cách mạng của chúng ta là chủ nghĩa xã hội, vì vậy “muốn có chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa”. Con người xã hội chủ nghĩa vừa là sản phẩm sinh thành của quá trình phát triển xã hội mới, vừa là kết quả của hoạt động tích cực, chủ động của hàng triệu người trong xã hội. Con người xã hội chủ nghĩa là những con người có các phẩm chất rất mới mà xã hội cũ không có. Con người xã hội chủ nghĩa khác với nhân cách của kẻ sĩ, thương gia, trượng phu, quân tử, nhà tư bản. Đó là những con người được hình thành không chỉ gắn với tiến trình cách mạng của nhân dân ta, mà nó còn phải đại diện cho các giá trị đạo đức mới, lý tưởng xã hội mới. Đó là những con người kiên quyết chống áp bức và bóc lột; coi lao động là nguồn sống, là trách nhiệm, là vinh dự, là nguồn tạo ra hạnh phúc. Đó là những con người yêu nước sâu sắc kết hợp với yêu đồng loại, yêu những người lao động và nghèo khổ trên thế giới. Nhân tố cơ bản tạo thành tính cách của những con người như vậy là tính cách mạng của nó. Nó vừa có đạo đức trong sạch vừa có lý tưởng tiên tiến.
Con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng trước hết là những con người có lý tưởng sống cao đẹp, mà Người gọi là “hồng thắm”; có đạo đức trung thực, thẳng thắn, mà Người gọi là “có đức”. Những con người có các phẩm cách “hồng thắm” và “có đức” này phải biểu hiện thành hành động, thành hiệu quả trong lao động cần cù, sáng tạo, mang lại lợi ích cho mình và cho xã hội, mà chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “chuyên sâu và có tài”. Theo Người, “hồng thắm”, “chuyên sâu”; “có đức”, “có tài” phải được kết hợp chặt chẽ với nhau.
1.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới
        Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp xây dựng con người mới thông qua hệ thống giáo dục kỹ thuật tổng hợp bao gồm một hệ thống các quan điểm về giáo dục nhân cách: giáo dục trí tuệ, thể lực gắn với cả thời gian, không gian, trình độ và nội dung giáo dục. Các mục tiêu truyền đạt và hấp thụ hệ thống kiến thức, các nội dung tri thức được truyền đạt đều dựa trên cơ sở lấy con người là trung tâm, chủ nghĩa yêu nước chân chính làm nền tảng. Trung tâm điểm của quan điểm giáo dục kỹ thuật tổng hợp là vấn đề phát triển toàn diện nhân cách về các mặt: trí, đức, thể, mỹ, sáng chế, phát minh, pháp luật. Sản phẩm của giáo dục tổng hợp là những con người vừa hồng vừa chuyên, vừa có đức, vừa có tài.
Xây dựng con người bằng hình thức giáo dục kỹ thuật tổng hợp, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi học phải gắn với hành, lý luận phải gắn với thực tiễn, phải bình đẳng trong giáo dục, nội dung giáo dục phải kết hợp giữa phổ cập với nâng cao; cần chú ý đào tạo con em công nông, con em các dân tộc ít người và mở rộng hệ thống giáo dục trên nhiều bình diện khác nhau. Người viết: Trung học cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực thích hợp với nhu cầu tiền đồ xây dựng nước nhà. Hệ thống giáo dục kỹ thuật tổng hợp đã coi mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành môi trường vǎn hoá và trong sự phát triển nhân cách
Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng con người mới bằng hình thức giáo dục, nâng cao dân trí là một quá trình đấu tranh rất sôi động và to lớn chống lại sự lười biếng, cổ vũ tính sáng tạo, sự lao động cần cù, sự học tập không biết mệt mỏi. Đó là một quá trình đấu tranh diễn ra không chỉ giữa người này với người khác, giữa tập thể này với tập thể khác, giữa tập thể với cá nhân, mà còn là cuộc đấu tranh tự khắc phục sức ỳ và ngại khó khǎn, gian khổ, tư tưởng ỷ lại, trung bình chủ nghĩa trong mỗi con người
II. Phần thứ 2: Vận dụng, liên hệ trong xây dựng đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cơ quan, và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay tại Trường THPT Quang Trung.
2.1. Xây dựng đạo dức công vụ, đạo đức nghề nghiệp.

       Ở nước ta, theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức công vụ được thể hiện trong những nguyên tắc đạo đức, chuẩn mực cơ bản sau:
– Một là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Bác căn dặn: Chúng ta nhận lương “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính”.
– Hai là, phải có tinh thần trách nhiệm cao với công việc: Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. “Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm”. “Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”.
– Ba là, chấp hành nghiêm kỷ luật và có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ: Theo Hồ Chí Minh, cán bộ phụ trách phải theo đường lối chung nhưng cũng phải suy nghĩ tìm tòi, có những sáng kiến riêng của mình, theo tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, như thế công việc mới “chạy” được.
– Bốn là, có ý chí cầu tiến bộ, luôn luôn phấn đấu trong công việc: Người cán bộ phải luôn có chí tiến thủ, tinh thần cầu tiến bộ. “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng ngày càng tiến… Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”.
– Năm là, có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong thực hiện công việc: Mọi người cần đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ như tay với chân thì công việc mới hoàn thành được. Bác chỉ rõ: “Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình”.
– Sáu là: Cụ thể đạo đức nhà giáo, đề nghị thầy cô tiếp tục thực hiện đúng Quyết định số: 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 ban hành quy định về đạo đức nhà giáo.
Điều 4. Đạo đức nghề nghiệp
1. Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.
2. Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành.
3. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
3. Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Điều 5. Lối sống, tác phong
1. Sống có lý tưởng, có mục đích, có ý chí vượt khó vươn lên, có tinh thần phấn đấu liên tục với động cơ trong sáng và tư duy sáng tạo; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
2. Có lối sống hoà nhập với cộng đồng, phù hợp với bản sắc dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội; biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ.
3. Tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với người học; giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo.
4. Trang phục, trang sức khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học.
5. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật.
6. Xây dựng gia đình văn hoá, thương yêu, quý trọng lẫn nhau; biết quan tâm đến những người xung quanh; thực hiện nếp sống văn hoá nơi công cộng.
Điều 6. Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo
1. Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân.
2. Không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
3. Không trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.
4. Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.
5. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định.
6. Không hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.
7. Không sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.
8. Không gây bè phái, cục bộ địa phương, làm mất đoàn kết trong tập thể và trong sinh hoạt tại cộng đồng.
9. Không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.
10. Không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường.
11. Không tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như : cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín, dị đoan; không sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, độc hại.
2.2. Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện

        Đảng viên và cán bộ phải có “đạo đức cách mạng”. Người khái quát và đi sâu phân tích năm chữ Nhân, Nghĩa, Chí, Dũng, Liêm.
“Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào.
Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng…
– Trí vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng…
– Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại vinh hoa, phú quý không chính đáng.
 -Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình… Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ…”.
Người cán bộ, đảng viên “phải giữ kỷ luật”. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác. “Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ tiên phong. Mà đó là tự giác, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên”.
Mỗi đảng viên phải thể hiện được vai trò tiên phong của đảng viên, gương mẫu trong thực hành đạo đức cách mạng (Bác nói “Cách mạng là tiêu diệt những cái xấu, xây dựng những cái gì tốt’’), nâng cao ý thức trách nhiệm, tính trung thực. Bởi tính tiên phong là tính chất nhất thiết phải có ở một đảng cộng sản. Đảng viên là những người tiên phong trong mọi công việc xây dựng và phát triển trường THPT Quang Trung đạt Chuẩn quốc gia giai đoạn tiếp theo 2021-2025. Trường đạt chuẩn là đáp ứng các tiêu chuẩn – tiêu chí mà xã hội đặt ra, mang lợi ích chính đáng đến với học trò. Mỗi đảng viên với tinh thần tự giác, tích cực lập kế hoạch cải tiến chất lượng chuyên môn, chất lượng công tác kiêm nhiệm nhằm đạt hiệu quả đột phá và cao hơn những năm trước.
Đối với đảng viên là cán bộ quản lý cần có tầm nhìn chiến lược và cụ thể bằng Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2035. Muốn đột phát phát triển Nhà trường, phải xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện thực chất các kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục./.